Đường dây nóng
Điện thoại: 0915348686
Fax: 0225.3551636
Email: cangvu1@gmail.com
Tin tức & sự kiện
37 cảng, bến thủy nội địa quốc gia ai được quyền quản lý?
(Xây dựng) - Theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2010/TT- BGTVT, Cục đường Thủy nội địa Việt Nam đã cấp phép hoạt động và giao cho Cảng vụ Thủy nội địa khu vực 1 quản lý, thu phí 50 cảng, bến tại Quảng Ninh.
07/12/2015

 

Sau đó, ngày 17/10/2014 Bộ GTVT lại ra Thông tư 50/2014/TT-BGTVT thay thế Thông tư 25 trước đó. Tại Thông tư 50 này cùng với Quyết định 2861 ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT; văn bản hướng dẫn 671 ngày 17/4/2015 của Cục đường Thủy nội địa Việt Nam hướng dẫn rõ ràng cho các cơ quan Nhà nước cấp dưới tổ chức, quản lý cảng bến thủy nội địa.


Tức là, nếu áp dụng tại Quảng Ninh thì Sở GTVT tỉnh này có nhiệm vụ cấp phép lại các cảng, bến TNĐ mà trước đó TT 25 giao quyền cho Cảng vụ TNĐ khu vực I cấp phép (thời hạn 5 năm) đã hết hạn.


Câu chuyện ở đây lại bắt đầu trở nên rắc rối hơn vì “ Cờ đến tay ai, người ấy phất” tức là khi chuyển quyền cấp phép hoạt động cảng, bến TNĐ từ tay Cục đường Thủy nội địa Việt Nam sang Sở GTVT Quảng Ninh thì đương nhiên là Sở có quyền còn “lợi” thuộc về tay ai là điều đang phải bàn…

Nói cho cụ thể hơn, tức là Cảng vụ TNĐ khu vực I yếu thế hơn bởi vì cơ quan này có trụ sở đặt tại TP.Hải Phòng nhưng quyền được quản lý 50 cảng, bến TNĐ thì lại nằm trên đất Quảng Ninh. “ Nhà” một nơi, “của” một nẻo thì yếu thế là điều tất yếu. Và “hậu quả” của vấn đề này đã xảy ra, cụ thể là 02 cảng, bến TNĐ nằm trong 50 cảng, bến TNĐ trên đã được Sở GTVT Quảng Ninh cấp phép lại nhưng Sở này giữ hồ sơ trong tay khư khư mà không hề bàn giao cho Cảng vụ TNĐ khu vực I?! Và có 02 cảng, bến TNĐ tại Vũng Đục – Cẩm Phả đang có tranh chấp quyền quản lý, thu phí giữa Cảng vụ TNĐ Quảng Ninh (thuộc Sở GTVT Quảng Ninh) và Cảng vụ TNĐ khu vực I. Chưa biết có khách hàng thuộc nhà tàu nào đã khiếu kiện không nhưng quản lý kiểu tranh chấp, chồng chéo này khó tránh khỏi thu phí 2 lần (2 cơ quan cảng vụ khác nhau cùng thu phí 1 tàu khi xuất bến).


Theo phía Cảng vụ TNĐ khu vực I thì Sở GTVT Quảng Ninh hiện nay muốn “thâu tóm” 37/50 cảng, bến TNĐ của họ. Trong khi hiện có khoảng 15/50 cảng, bến TNĐ tại Quảng Ninh đã hết hạn giấy phép hoạt động nhưng vẫn chưa được cấp phép trở lại. Tuy nhiên, một cán bộ tại Cảng vụ TNĐ Quảng Ninh cho rằng Sở GTVT Quảng Ninh đang rà soát xem cảng, bến nào đúng quy hoạch mới cấp phép tiếp. Nói đến quy hoạch thì đúng rồi nhưng “rà soát” hết bao nhiêu thời gian khi hạn hoạt động đã đáo thì ai chịu trách nhiệm quản lý, hoạt động, thu phí đây.

Lại một vấn đề nữa là không thể không nói đến ông Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh ra Quyết định số 4230 ngày 23/10/2015 tại Đ 1 có nêu: “ Giao Cảng vụ TNĐ Quảng Ninh triển khai thực hiện quản lý Nhà nước tại 37 cảng, bến TNĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Chi cục đường Thủy nội địa phía Bắc và Cảng vụ đường Thủy nội địa khu vực I bàn giao”. Tại Đ 1; QĐ này là không có cơ sở vì chính Cảng vụ TNĐ khu vực I có trụ sở tại Hải Phòng cũng đang hoang mang vì 37 cảng, bến đang và đã nguy cơ tuột khỏi tầm quản lý của mình thì làm sao có chuyện họ lại tự nguyện “ giao con cho chúa”?!


Nếu thực sự không có căn cứ Chi cục đường TNĐ phía Bắcc và Cảng vụ TNĐ khu vực I bàn giao 37 cảng, bến cho Sở GTVT Quảng Ninh thì Tại Đ 1; QĐ 4230 kia của Sở là bịa đặt chăng? Thực ra, theo cán bộ của Cảng vụ TNĐ khu vực I nói, họ chỉ bàn giao bản phô tô hồ sơ của 37 cảng, bến cho Sở GTVT Quảng Ninh căn cứ và cấp phép lại theo Thông tư 50 của Bộ GTVT chứ không có chuyện bàn giao quyền quản lý 37 cảng, bến.


Như vậy, tại Đ 1; QĐ 4230 Sở GTVT Quảng Ninh lại “quyết tâm” cho mình cái quyền “ không thể có” là giao cho Cảng vụ TNĐ Quảng Ninh triển khai thực hiện quản lý Nhà nước tại 37 cảng, bến là điều hết sức nực cười và không tưởng?!


Để khẳng định cái “chủ quyền không tưởng” trên, Sở GTVT Quảng Ninh đã “ bám” theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT cho có vẻ coi như là QĐ 4230 của Sở chuẩn chu là một văn bản quy phạm pháp luật chính thống.


Thực ra, tại k3; Điều 26; TT50 về (Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải) quy định: “Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia ủy quyền quản lý, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương”.

Tức là trong trường hợp khác, nếu được Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp giao quyền quản lý cảng, bến TNĐ quốc gia cho địa phương thì Sở mới có quyền quản lý.

Và phải hiểu rằng Sở chỉ có quyền cấp phép lại khi giấy phép hoạt động cảng, bến TNĐ quốc gia đã hết hạn chứ không phải Sở được phân quyền quản lý sau cấp lại phép. Để hướng dẫn thực hiện cụ thể vấn đề này, Cục đường TNĐ Việt Nam đã có văn bản 671 ngày 17/4/2015 hướng dẫn như sau: “ Các bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, sau khi được Sở giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động, đề nghị Quý Sở gửi cho Cảng vụ đường Thủy nội địa thuộc Cục 01 bản để theo dõi, quản lý”.


Rõ ràng với hướng dẫn trên của Cục đường Thủy nội địa Việt Nam được hiểu rằng tất cả các cảng, bến TNĐ quốc gia (có 50 cảng, bến trên địa bàn Quảng Ninh) thuộc quyền theo dõi, quản lý của Cục, và Cục giao quyền cho Cảng vụ TNĐ khu vực I quản lý, thu phí hoạt động.


Sau khi QĐ 4230 Sở GTVT Quảng Ninh ban hành ngày 23/10/2015 thì phía Cảng vụ TNĐ khu vực I cảm thấy rất “choáng” và họ khẳng định ông Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh rất “liều” khi ra một văn bản quy phạm pháp luật ngược với các văn bản của Trung ương như vậy.


Câu chuyện đi tìm quyền quản lý 37 cảng, bến thủy nội địa quốc gia tại Quảng Ninh vẫn còn đang tiếp diễn… Nhưng ở đây người ta không khỏi ngạc nhiên khi mà ở đâu đó có cơ quan nhà nước tìm mọi cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì ở Sở GTVT Quảng Ninh dường như ngược lại, họ đang tìm cách cố gắng ôm đồm cái trách nhiệm không phải là của mình. Và, đây là hành vi nên khen hay nên chê? Câu hỏi này xin được gửi về ông Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh trả lời quý độc giả./.

Văn Nguyễn


Đang tải dữ liệu!!!

Bản quyền thuộc về Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I
Địa chỉ: Số 10, Phạm Minh Đức, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Điện thoại: (0225) 3837417 * Fax:(0225) 551636 * Email: cangvu1@gmail.com